Hiện nay, sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú xuất hiện và được sử dụng phổ biến trong hầu hết tất cả các thủ tục hành chính cũng như các giao dịch trong đời sống thường nhật. Giá trị pháp lý và vai trò của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được pháp luật quy định cụ thể như sau:

1.      Cơ sở pháp lý

-         Luật Cư trú năm 2006

-         Luật Cư trú 2020

-         Luật Căn cước công dân 2014.

-         Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 hướng dẫn Luật Căn cước công dân

-       Nghị định 37/2021/NĐ-CP (29/3/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật căn cước công dân.

 

2.      Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là gì?

Căn cứ theo Luật Cư trú 2006 thì chúng ta có một số khái niệm về nơi cư trú, nơi thường trú và nơi tạm trú được quy định cụ thể như sau:

Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

Đồng thời, Luật Cư trú 2006 cũng quy định về sổ hộ khẩu và sổ tạm trú cụ thể:

Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Từ quy định trên ta có thể thấy, sổ hộ khẩu là một hình thức quản lý nhân khẩu trong các hộ gia đình có chức năng xác định nơi thường trú hợp pháp của công dân. Đây là công cụ và thủ tục hành chính giúp nhà nước quản lí việc di chuyển sinh sống của công dân Việt Nam. Sổ hộ khẩu cũng là căn cứ để nhà nước phân định thẩm quyền xử lý các vấn đề pháp lý có liên quan tới cá nhân đó.

Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn. Sổ tạm trú là một loại văn bản pháp lý được nhà nước sử dụng để quản lý nơi cư trú tạm thời của công dân khi công dân chuyển tới một nơi cư trú mới trong một thời gian nhất định mà không phải là nơi công dân đăng ký thường trú.

3.      Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được sử dụng đến khi nào?

Kể từ khi Luật cư trú 2020 có hiệu lực thì Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022, cụ thể như sau:

“Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022” và “Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú”.  Có nghĩa là:

Thứ nhất, kể từ ngày 01/7/2021 sẽ thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong các trường hợp có thay đổi thông tin; Không cấp mới Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú; Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Thứ hai, từ ngày 01/01/2023, toàn bộ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng.

Như vậy, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, toàn bộ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng. Đồng thời, Luật Cư trú 2020 không còn thuật ngữ “Sổ hộ khẩu”, “Sổ tạm trú” và “Nơi thường trú” và “Nơi cư trú” cũng được định nghĩa như sau:

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sng trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

4.      Tra cứu thông tin về cư trú thông qua số định danh và Căn cước công dân gắn chip.

Luật Cư trú 2020 quy định: “Cập nhật thông tin về cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú”. Ngoài ra, quy định còn cho phép công dân được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư bằng hình thức:

Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.

-         Thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ Công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Theo quy định nêu trên, người dân có thể tra cứu thông tin về hộ khẩu, thực hiện nhập, xóa, chuyển hộ khẩu, đăng ký tạm trú… trên hệ thống của Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không cần Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

5.      Vậy người dân có thể tra cứu thông tin về cư trú tại đâu?

Hiện nay, chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về việc sử dụng Căn cước công dân thay cho Sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, những thông tin liên quan về cư trú của công dân đều được cập nhật tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, điều 12 Luật Căn cước công dân 2014 cũng quy định số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Hiện nay, Số định danh cá nhân cũng chính là sổ thẻ dụng Căn cước công dân, thẻ dụng Căn cước công dân gắn chip (12 số), được cấp cho mỗi công dân từ khi sinh ra đến khi mất, không lặp lại ở người khác.

Như vậy, khi thực hiện các thủ tục hành chính cần đến thông tin về Sổ hộ khẩu, người dân có thể xuất trình thẻ dụng Căn cước công dân gắn chip để lấy thông tin về cư trú và những thông tin khác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 ThS. Trần Thùy Liên (Bộ môn Luật – Khoa Chính trị-Luật)