Đây là tin vui đối với sinh viên ngành luật, đặc biệt là các bạn sinh viên có định hướng nghề nghiệp tương lai là công chứng viên.
Ngày 26/7/2022 Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề xuất xây dựng Luật Công chứng năm 2014 sửa đổi. Dự kiến Luật Công chứng sửa đổi sẽ sửa đổi 44 điều, bổ sung mới 3 điều trên tổng số 84 điều. Trong đó, tập trung sửa đổi các chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật Công chứng năm 2014.
Một là, xác định lại khái niệm, nội hàm hoạt động công chứng, hành nghề công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên, đúng với vai trò, bản chất của hoạt động công chứng.
Hai là, UBND cấp xã sẽ dừng chứng thực hợp đồng, giao dịch, chuyển giao hoàn toàn việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng.
Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi Luật Công chứng năm 2014 theo hướng Phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã không chứng thực hợp đồng, giao dịch nữa mà chuyển giao toàn bộ hoạt động này về cho tổ chức hành nghề công chứng. Vì trên thực tế, hiện nay có sự chồng chéo, trùng lặp về hoạt động nghề nghiệp giữa công chứng viên theo qui định của Luật Công chứng 2014 và người làm nhiệm vụ chứng thực theo quy định Nghị định 23/2015 ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với hợp đồng, giao dịch thì cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực theo quy định. Hợp đồng, giao dịch được công chứng hoặc được chứng thực có giá trị pháp lý như nhau. Nghị định 23/2015 của Chính phủ chưa có quy định về việc chuyển giao thẩm quyền trong trường hợp mức độ xã hội hóa dịch vụ công chứng đã đạt mức cao. Do vậy, ở nhiều địa phương, mặc dù hoạt động công chứng đã phát triển, song cơ quan tư pháp xã, phường vẫn thực hiện việc chứng thực hợp đồng, giao dịch dẫn đến tình trạng chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước vào nhiệm vụ có thể do xã hội đảm đương. Mặt khác, việc tồn tại song song hai hệ thống công chứng và chứng thực đối với cùng một đối tượng là hợp đồng, giao dịch còn dẫn đến tình trạng không ít tài sản được giao dịch nhiều lần tại cùng thời điểm mà không phát hiện ra, vì cơ sở dữ liệu về công chứng - chứng thực chưa có sự liên thông, kết nối. Để khắc phục điều này, Bộ Tư pháp lựa chọn giải pháp khi sửa đổi Luật Công chứng là xác định nguyên tắc chuyển giao thẩm quyền giữa chứng thực và công chứng tại những địa bàn mức độ xã hội hóa công chứng đã phát triển cao. Theo đó, bổ sung quy định UBND cấp tỉnh xây dựng Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), công chứng viên phù hợp với nhu cầu công chứng tại địa phương mình; xem xét quyết định việc chuyển giao việc công chứng hợp đồng, giao dịch của UBND cấp huyện, cấp xã đối với các địa bàn đã phát triển được TCHNCC. Lộ trình cụ thể để hoàn thành quá trình chuyển giao này được giao cho Chính phủ quy định.
Đánh giá về tác động của việc chuyển giao, theo Bộ Tư pháp, đối với ngân sách nhà nước (NSNN), việc chuyển giao có thể tăng thu ngân sách do doanh thu từ hoạt động của các TCHNCC tăng lên. Với ước tính ít nhất 1,4 triệu việc chứng thực hợp đồng, giao dịch/năm được chuyển giao cho các TCHNCC thì thù lao công chứng thu được ước tính tăng thêm là 63 tỉ đồng, số phí công chứng tăng thêm 490 tỉ đồng, số tiền nộp ngân sách/thuế ước tính tăng thêm 66 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu giữ nguyên quy định như hiện nay, với 1,4 triệu chứng thực hợp đồng, giao dịch/năm, ước tính thu về cho NSNN là 56 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, việc chuyển giao nhiệm vụ chứng nhận hợp đồng, giao dịch cho TCHNCC còn giúp tiết kiệm cho NSNN khoảng 53 tỉ đồng/năm để trả lương cho đội ngũ cán bộ tư pháp.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tư pháp, việc thực hiện chuyển đổi cũng sẽ đối mặt với một số tác động tiêu cực như: Trong một số trường hợp người dân không còn được lựa chọn TCHNCC hoặc UBND cấp xã, huyện để thực hiện một số hoạt động công chứng, chứng thực nữa. Thêm vào đó, về cơ bản chi phí công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ cao hơn việc chứng thực tại cơ quan tư pháp cấp huyện, xã.
Ba là, bãi bỏ quy định về công chứng bản dịch. Hiện nay, cùng một việc dịch và chứng nhận giấy tờ, tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (hoặc ngược lại) thì cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu công chứng bản dịch tại TCHNCC hoặc yêu cầu chứng thực chữ ký của người dịch. Đối với công chứng bản dịch, CCV phải chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản và trường hợp không bảo đảm một trong các yếu tố này thì công chứng viên vi phạm pháp luật, đối diện với nguy cơ bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Trong khi đó, theo Nghị định 23/2015 thì người thực hiện chứng thực chỉ chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người dịch trong bản dịch. Sự chênh lệch về trách nhiệm như trên dẫn đến việc hầu hết công chứng viên không dám hoặc không muốn công chứng bản dịch để tránh nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra.
Từ đó, tại lần sửa đổi này, Bộ Tư pháp lựa chọn giải pháp bãi bỏ quy định về công chứng bản dịch tại Điều 61 Luật Công chứng 2014, không quy định công chứng gồm việc chứng nhận bản dịch nữa mà chuyển về nhiệm vụ chứng thực chữ ký của người dịch và vẫn giao cho công chứng viên, tương tự như chứng thực bản sao và chữ ký cá nhân. Lý giải về việc lựa chọn trên, Bộ Tư pháp cho rằng thông qua việc công chứng viên tham gia chứng thực chữ ký của người dịch sẽ giúp chia sẻ trách nhiệm với cơ quan nhà nước. Nhờ đó, cơ quan hành chính nhà nước có thêm thời gian, nhân lực tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đúng chức năng, vai trò của mình.
Tại bản báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tư pháp cho biết với việc giao cho công chứng viên chứng thực chữ ký của người dịch thay vì công chứng bản dịch, mỗi năm số việc chứng thực chữ ký của người dịch ước tăng lên khoảng 380.000 việc. Mặt khác, số phí người yêu cầu chứng thực cần bỏ ra sẽ giảm đi bảy lần, tiết kiệm được khoảng 2,3 tỉ đồng/năm.
Bốn là, bổ sung chức danh thư ký nghiệp vụ công chứng. Thực trạng hiện nay cho thấy có rất nhiều công đoạn trong quy trình công chứng do đội ngũ nhân viên giúp việc cho công chứng viên trực tiếp thực hiện và công chứng viên chỉ là người rà soát lại, ký tên chính thức. Tuy nhiên, tên gọi cũng như địa vị pháp lý của đội ngũ này chưa được ghi nhận chính thức. Vì vậy, Bộ Tư pháp bổ sung một điều mới về thư ký nghiệp vụ công chứng với các tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng vào đề cương dự kiến của Luật Công chứng sửa đổi.
Năm là, thực hiện việc chuyển đổi số đối với hoạt động công chứng, Bộ Tư pháp sẽ lựa chọn việc tổ chức thí điểm công chứng trực tuyến trong quá trình xây dựng Luật Công chứng sửa đổi.
Theo Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động công chứng hiện tại chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang chuyển đổi số. Nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do các quy định về trình tự, thủ tục công chứng còn khá cứng nhắc, chưa tạo nền tảng pháp lý cho việc chuyển đổi số. Việc khắc phục điều này là một trong những mục tiêu của quá trình xây dựng Luật Công chứng sửa đổi.
Song song với việc cải tiến quy trình công chứng truyền thống, để tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi số hoạt động công chứng, Bộ Tư pháp lựa chọn giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng theo hướng thừa nhận giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng. Cụ thể, bổ sung một điều mới về thực hiện hoạt động công chứng trên môi trường điện tử. Trong đó, quy định văn bản công chứng điện tử do công chứng viên chứng nhận, ký bằng chữ ký số và được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu công chứng tập trung, có giá trị pháp lý như văn bản công chứng do công chứng viên ký trực tiếp và lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, luật sửa đổi sẽ bổ sung quy định cho phép người yêu cầu công chứng có thể yêu cầu và nộp hồ sơ thông qua email, tin nhắn, website hoặc các phần mềm chuyên dụng theo quy định.
Tổ chức hành nghề công chứng nào có đủ điều kiện thực hiện quy trình công chứng trực tuyến và quy trình nghiệp vụ công chứng khác trên nền tảng cơ sở dữ liệu công chứng tập trung thì phải thực hiện theo yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng.
Dự kiến việc chuyển đổi số đối với hoạt động công chứng được thực hiện theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1 (số hóa hoạt động công chứng), hoạt động công chứng vẫn được thực hiện theo các quy trình truyền thống, việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số mang tính chất hỗ trợ cho các công đoạn hoặc công việc cụ thể trong quy trình đó. Giai đoạn 2 là chuyển đổi số, có thể cho phép thí điểm công chứng trên môi trường điện tử (công chứng trực tuyến) đối với một số loại hợp đồng, giao dịch nhất định như ủy quyền, văn bản từ chối nhận di sản...
Việc thí điểm có thể từng bước, từ việc gửi hồ sơ qua mạng, công chứng viên, thư ký nghiệp vụ kiểm tra hồ sơ, tra cứu cơ sở dữ liệu có liên quan, soạn thảo hợp đồng, giao dịch và hẹn người yêu cầu công chứng đến ký. Khi cả người yêu cầu công chứng và công chứng viên đều có chữ ký số thì sẽ thực hiện ký số hoặc chữ ký điện tử thay vì người yêu cầu công chứng phải đến tận nơi để ký văn bản công chứng...
Theo Bộ Tư pháp, việc chuyển đổi số giúp việc gửi và nhận thông tin nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm hơn; việc công chứng được thực hiện từ xa, rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian, tiết kiệm chi phí…
Tuy nhiên, để thực hiện được việc này thì cũng cần phải thiết lập một nền tảng kỹ thuật, bao gồm hạ tầng mạng ổn định; có “kho lưu trữ số” bảo đảm tính ổn định, an toàn, thường xuyên được sao lưu; có cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai - nhà ở, công chứng; chữ ký số của cá nhân, tổ chức (người yêu cầu công chứng) và của công chứng viên; Internet Banking hoặc Mobile Banking; tính bảo mật của hệ thống.
Sáu là, người yêu cầu công chứng được sử dụng bản sao giấy tờ trong một số trường hợp. Hiện nay, khoản 8 Điều 40 và khoản 3 Điều 41 Luật Công chứng 2014 đều có quy định “công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 điều này để đối chiếu…”. Trong đó, bao gồm bản chính giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, liên quan đến hợp đồng, giao dịch thì có những loại giấy tờ không nhất thiết phải có bản chính. Điển hình là các loại giấy tờ hộ tịch để chứng minh các sự kiện chỉ xảy ra một lần duy nhất như giấy khai sinh, giấy chứng tử… hoàn toàn có thể sử dụng bản sao trích lục, thậm chí là bản sao có chứng thực để thay thế mà vẫn bảo đảm giá trị chứng cứ để chứng minh cho tình tiết, sự kiện đó. Ít nhất là nó chứng minh được tại thời điểm cấp bản sao đó thì đã tồn tại một bản chính hợp pháp với đúng nội dung như vậy. Từ đó, Bộ Tư pháp đề xuất người có nhu cầu công chứng được sử dụng bản sao giấy tờ đối với một số trường hợp cụ thể: (i) Cho phép sử dụng bản sao trích lục và bản sao chứng thực đối với: Giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy đăng ký kết hôn (một số trường hợp cụ thể) trong các giao dịch về thừa kế, tặng cho…; (ii) Cho phép sử dụng bản sao chứng thực đối với sổ hộ khẩu, CMND, giấy xác minh nhân khẩu, với mục đích để chứng minh một số tình tiết cụ thể như chứng minh số CMND cũ, hộ khẩu thường trú trong quá khứ; (iii) Cho phép sử dụng bản chính hoặc bản sao hợp đồng, văn bản đã được công chứng để chứng minh một số tình tiết tại thời điểm công chứng văn bản đó như nguồn gốc tạo lập tài sản, tình trạng hôn nhân, tình trạng nhân khẩu…
Với việc sử dụng hợp lý những bản sao trích lục, bản sao có chứng thực sẽ giúp cho người dân thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc công chứng, thậm chí giải quyết được nhiều ách tắc khi các loại giấy tờ bản chính không thể được cấp lại…
Như vậy, để hiện thực hóa giấc mơ nghề nghiệp công chứng viên, các bạn sinh viên ngành luật kinh tế HUFI ngoài việc phải tích cực học tập kiến thức chuyên môn ngành luật, rèn luyện kỹ năng, đạo đức nghề luật, thì còn phải không ngừng học về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu ngày cao của nghề công chứng viên trong thời kỳ chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
TS Nguyễn Nam Hà (Khoa Chính trị - Luật)
Xem thêm :