1. Khái niệm án lệ
Án lệ (tiếng Anh: Case Law) được hiểu là quan điểm giải thích và áp dụng pháp luật của Tòa án về một vấn đề pháp lý, quan điểm này đã được coi như một tiền lệ, các thẩm phán xét xử sau đó phải làm theo trong các vụ án có các tình tiết thực tế tương tự. Thông thường án lệ chỉ xuất hiện khi có một sự kiện pháp lý mới nảy sinh mà chưa có những quy phạm pháp luật thực định điều chỉnh cụ thể về lĩnh vực đó hoặc do xung đột pháp luật mà chưa có các dẫn chiếu pháp luật rõ ràng. Cơ sở hình thành án lệ chính là những điểm còn khiếm khuyết của hệ thống pháp luật. Khi có những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, Tòa án sẽ viện dẫn những căn cứ pháp luật được coi là hợp tình, hợp lý để đưa ra một phán quyết có tính đột phá và bản án này sẽ được Tòa án tối cao công bố là án lệ để áp dụng chung cho các trường hợp tương tự do khuyết quy phạm hoặc chưa có dẫn chiếu quy phạm rõ ràng.
Theo quan điểm các nhà luật học của hệ thống luật Anh - Mỹ (Anglo - Sacxon), án lệ được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa hẹp, án lệ bao gồm toàn bộ các quyết định, bản án được tuyên bố bởi Tòa án và có giá trị như nguồn luật, đưa ra những nguyên tắc, nền tảng áp dụng cho các vụ việc xảy ra tương tự sau này, là cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc xảy ra trong tương lai. Còn theo nghĩa rộng, án lệ là nguyên tắc bắt buộc đòi hỏi Thẩm phán Toà án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án, các vụ việc trước đó, đặc biệt là các phán quyết của các Tòa án cấp cao và Tòa án tối cao hay là hệ thống những nguyên tắc pháp lý đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án cấp cao và Tòa án tối cao.
Về tổng thể, thuật ngữ án lệ hàm chứa những nội dung cơ bản của tiền lệ pháp, án mẫu. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có những điểm khác biệt.
Về bản chất, án lệ cũng chính là tiền lệ pháp, do cả hai đều xuất phát từ Tòa án và hình thành từ quá trình xét xử. Mặt khác, tiền lệ pháp là thuật ngữ dùng để chỉ về một hình thức pháp luật, còn án lệ dùng để chỉ về nguồn của pháp luật, mà nguồn của pháp luật cũng chính là hình thức pháp luật. Nói một cách khác, tiền lệ pháp là một hình thức pháp luật hay quá trình làm luật của tòa án, còn án lệ là những bản án, quyết định mà Toà án làm căn cứ để áp dụng sau này cho những vụ việc có tình tiết tương tự. Thông thường, người ta gọi các bản án sau có giá trị áp dụng tương tự và được Tòa án tối cao lựa chọn, công bố phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và tham khảo khi xét xử là những án lệ.
Án mẫu là những bản án được xây dựng trên những cơ sở pháp luật vững chắc mà trong những tình huống như vậy, khó có thể đưa ra phán quyết khác được. Do đó, khi có vụ án với những tình huống tương tự thì tòa án phải đưa ra các quyết định tương tự. Một điểm cần lưu ý là, khi bản án được coi là án mẫu thì Toà án tối cao sẽ chuyển đến các Toà án cấp dưới để làm nguồn tham khảo và các Toà án cấp dưới coi đó là những bản án mẫu để xét xử những vụ án tương tự. Điểm khác nhau giữa án lệ và án mẫu năm ở chỗ án lệ chứa đựng cách giải thích và áp dụng pháp luật thành văn, nguyên tắc về công bằng và lẽ phải của Tòa án về một vấn đề pháp lý; còn án mẫu chứa đựng cách thức giải quyết và kết quả giải quyết mẫu mực một vụ việc thực tế. Điểm giống nhau giữa án lệ và án mẫu là trong các điều kiện tương tự thì tòa án đều phải ra những phán quyết chung được coi là chuẩn mực và các phán quyết đó được thừa nhận như những giá trị bắt buộc chung.
2. Sử dụng án lệ trên thế giới
Trên thế giới, tư tưởng án lệ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên - tức thời La Mã cổ đại. Án lệ tồn tại dưới hình thức các sắc dụ, phán quyết, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phù hợp với sự phát triển của xã hội La Mã thời cổ đại. Cụ thể, Hoàng đế Severus - người cai trị La Mã từ năm 193 - 211 đã cho phép các thẩm phán bổ sung những lỗ hổng của luật thành văn bằng tập quán và thực tiễn xét xử của các vụ việc tương tự.
Tuy nhiên, những án lệ đầu tiên trên thế giới gắn liền với tên tuổi của Hoàng đế Anh Henry II (1154-1189). Ông đã cử các thẩm phán từ Tòa án Hoàng gia tại Westminster đi giải quyết các tranh chấp ở địa phương. Sau mỗi vụ xét xử, các thẩm phán quay trở về Westminster và cùng nhau thảo luận về những vụ án mà họ đã xét xử. Các phán quyết này được hệ thống hóa, sau này, các thẩm phán bị ràng buộc bởi những phán quyết có liên quan của các thẩm phán khác trong quá khứ. Từ đó, hình thành nên nguyên tắc hai vụ việc với các tình tiết chính tương tự như nhau sẽ được xét xử như nhau.
Trong hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, án lệ là nguồn luật quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc áp dụng nguồn án lệ cần dựa trên hai yếu tố: Phân tích bối cảnh của án lệ so với vụ việc cần giải quyết và việc tìm kiếm lý do để quyết định. Khi áp dụng án lệ, thẩm phán cần căn cứ vào “căn cứ của phán quyết”, tức là bộ phận gồm những nhận định quan trọng để đi đến kết luận, chứ không phải là phần bình luận của thẩm phán
Ở các nước theo hệ thống luật Anh - Mỹ, án lệ (Case Law) là một trong những nguồn luật chính thức và quan trọng trong hệ thống pháp luật của quốc gia và được áp dụng phổ biến trong hoạt động xét xử. Theo đó, những bản án, quyết định giải quyết vụ việc trong các án lệ trở thành chuẩn mực, cơ sở pháp lý để Tòa án đưa ra phán quyết trong những vụ việc có tình tiết, vấn đề tương tự sau đó.
Ở những nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (hệ thống pháp luật Dân sự - Civil Law), tiêu biểu như Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản,… Án lệ được xem như một cách giải thích pháp luật. Án lệ không được xem là nguồn luật chính, chỉ được xem là hình thức pháp luật thứ cấp, luật phái sinh. Án lệ không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng tòa cấp dưới cần phải tham khảo khi xét xử vụ việc tương tự để tránh việc bị Tòa cấp trên hủy án, sửa án do quan điểm giải thích và áp dụng pháp luật.
Hiện nay, hầu hết các nước có hệ thống luật pháp phát triển, đều có sử dụng án lệ trong xét xử ở hệ thống Tòa án, với nguyên tắc Tòa án không được quyền từ chối thụ lý bất cứ yêu cầu khởi kiện nào của công dân với lý do chưa có luật điều chỉnh.
3. Sử dụng án lệ ở Việt Nam
3.1. Lịch sử hình thành án lệ tại Việt Nam
Sau năm 1954, ở miền Bắc, để thống nhất việc xử phạt một số loại tội phạm, ngày 19/01/1955 Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 442/TTg về việc trừng trị một số tội phạm, mà theo đó, Thông tư nêu rõ: “…Kinh nghiệm xét xử về một số loại phạm pháp đã được trở thành án lệ. Tuy nhiên, án lệ ấy còn khác nhau giữa các địa phương. Đường lối xét xử do đó không được thống nhất, rõ ràng và có nơi không được đúng. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong quy định chung sau đây để hướng dẫn các tòa án trừng trị một số tội phạm thông thường
1. Trộm cắp: phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
- Cướp đường hay trộm có tổ chức, có bạo lực có dùng vũ khí để doạ nạt thì phạt tù từ 3 đến 10 năm.
- Cướp của mà có giết người có thể phạt đến tử hình.
2. Lừa gạt, bội tín: phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
3. Đánh bị thương: phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
- Đánh bị thương có tổ chức hoặc gây thành cố tật hay chết người có thể phạt đến 20 năm.
- Cố ý giết người: phạt tù từ 5 đến 20 năm: nếu có trường hợp giảm nhẹ thì có thể hạ xuống đến 1 năm; giết có dự mưu có thể phạt đến tử hình.”
4. Không cẩn thận hay không theo luật đi đường mà gây tai nạn làm người khác bị thương sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm, nếu gây tai nạn làm chết người có thể bị phạt tù đến 10 năm.
Ngoài ra đối với những tội tương tự với những tội ở trên đây, các Toà án có thể phạt theo như những tội ở trên.
Trong khi xét xử, các Toà án cần phải thận trọng, không được máy móc và cũng không nên quá linh động để làm sai lạc tinh thần chính sách trừng trị của Chính phủ, mà phải tuỳ nơi tuỳ lúc có chủ trương trừng phạt cho đúng trong phạm vi đã quy định trên đây”. Tuy nhiên, về sau, án lệ lại không được chính thức thừa nhận và áp dụng trong các cơ quan tư pháp.
3.2. Đề án Phát triển triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao và kết quả đạt được
Đề án “Phát triển triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” (ban hành theo Quyết định 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012), mục tiêu phát triển án lệ của TAND Tối cao nhằm nâng cao chất lượng bản án, quyết định của ngành Tòa án nói chung, đặc biệt là các Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, góp phần đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng, thống nhất, từ đó đảm bảo sự bình đẳng của mọi tổ chức và công dân trước pháp luật. Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là một trong những nhiệm vụ của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao được quy định tại khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 giao nhiệm vụ này cho Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thực hiện thông qua việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn quy định Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Như vậy, bên cạnh ban hành Nghị quyết, thì công bố án lệ là một phương thức mới để Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thực hiện nhiệm vụ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Ngày 28/10/2015 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP Về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, gồm các nội dung cơ bản sau đây: (1) Án lệ và giá trị pháp lý của án lệ; (2) Lựa chọn án lệ (tiêu chí lựa chọn án lệ; rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ; lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ; (3) Hội đồng tư vấn án lệ; thông qua án lệ; công bố án lệ); (4) Nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử; (5) Hủy bỏ, thay thế án lệ.
Ngày 30/5/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2016/CT-CA về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử.
Từ năm 2016 – 2021 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 52 án lệ thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. 52 án lệ này lập hợp các bản án giám đốc thẩm chuẩn mực thành án lệ để khắc phục những kẽ hở mà luật thành văn chưa quy định là thật sự cần thiết và đáp ứng đòi hỏi khách quan đối với hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án nước ta.
Nhìn chung: Việc áp dụng án lệ ngoài ý nghĩa giải quyết một vụ án cụ thể còn thiết lập ra một tiền lệ để xử những vụ án tương tự sau này, do đó, sẽ tạo bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau, giúp tiên lượng được kết quả của các vụ tranh chấp, tiết kiệm công sức của các Thẩm phán, Người tham gia tố tụng, Cơ quan tiến hành tố tụng, tạo ra sự công bằng trong xã hội. Án lệ là khuôn thước mẫu mực để các thẩm phán tuân theo vì được đúc kết, chọn lọc kỹ và mang tính chuyên nghiệp. Khi ấy thẩm phán chỉ cần đối chiếu để đưa ra phán quyết, tránh trường hợp mỗi người nhìn nhận, đánh giá vấn đề một kiểu. Từ đó tránh được chuyện dư luận xã hội cho rằng việc xét xử của Tòa án là không bình đẳng.
Sinh viên ngành luật kinh tế HUFI, để chuẩn bị cho hành trình khởi nghiệp nghề luật trong tương lai gần, các em cần quan tâm, dành thời gian nghiên cứu nội dung của tất cả 52 án lệ mà Tòa án NDTC đã công bố. Trong đó tập trung nghiên cứu, phân tích các quan điểm giải thích và áp dụng pháp luật của Tòa án tối cao về một vấn đề pháp lý, một quan hệ pháp luật trong thực tiễn. Có thể nói, 52 án lệ đã được công bố là kết tinh của tinh thần và trí tuệ của các nhà tư pháp Việt Nam, mà cụ thể là đội ngũ thẩm phán, đồng thời có sự tham gia đóng góp, giúp sức của đội ngũ kiểm sát viên, luật sư, giảng viên luật, các nhà nghiên cứu luật và của toàn xã hội. Vì vậy, sinh viên ngành luật kinh tế HUFI cần xem việc nghiên cứu án lệ là nhiệm vụ học tập cấp bách. Nghiên cứu án lệ sẽ góp phần giúp các em nâng cao tư duy pháp luật, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp.
TS. Nguyễn Nam Hà
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Quốc Hoàn (Chủ biên), Giáo trình Luật so sánh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2021;
2. Lê Văn Sua, Án lệ và vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án, chuyên mục “Nghiên cứu trao đổi” Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp [link truy cập: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1867];
3. Huỳnh Thị Nam Hải, Một số vấn đề về hình thức của Án lệ trong luật so sánh, Tạp chí Tòa án nhân điện tử [link truy cập: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/an-le/mot-so-van-de-ve-hinh-thuc-cua-an-le-trong-luat-so-sanh].
Xem thêm :