1. Khái quát các cuộc cách mạng công nghệ
Lịch sử loài người đến nay đã và đang chứng kiến bốn cuộc cách mạng công nghiệp:
Cuộc CMCN lần thứ Nhất từ khoảng năm 1784 sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc CMCN lần thứ Nhất được bắt đầu bằng việc xây dựng các tuyến đường sắt và phát minh ra động cơ hơi nước. Phát minh này của James Watt, được công bố vào khoảng năm 1775, đã châm ngòi cho sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ 19 lan rộng từ Anh đến châu Âu và Hoa Kỳ. Cuộc CMCN đầu tiên đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại - kỷ nguyên sản xuất cơ khí. Cuộc CMCN lần thứ Nhất đã thay thế hệ thống kỹ thuật cũ có tính truyền thống của thời đại nông nghiệp (kéo dài 17 thế kỷ), chủ yếu dựa vào gỗ, sức mạnh cơ bắp (lao động thủ công), sức nước, sức gió và sức kéo động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước và nguồn nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng mới là sắt và than đá.
Cuộc CMCN lần thứ Hai từ khoảng năm 1870 đến khi Thế Chiến I nổ ra, sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc CMCN lần thứ Hai diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép, và (đặc biệt) là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt. Yếu tố quyết định của cuộc cách mạng này là chuyển sang sản xuất trên cơ sở điện - cơ khí và sang giai đoạn tự động hoá cục bộ trong sản xuất, tạo ra các ngành mới trên cơ sở khoa học thuần tuý, biến khoa học thành một ngành lao động đặc biệt. Cuộc cách này đã mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp. Công nghiệp hóa thậm chí còn lan rộng hơn tới Nhật Bản sau thời Minh Trị Duy Tân, và thâm nhập sâu vào nước Nga, nước đã phát triển bùng nổ vào đầu Thế Chiến I. Về tư tưởng kinh tế - xã hội, cuộc cách mạng này tạo ra những tiền đề thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở quy mô thế giới.
Cuộc CMCN lần thứ 3 xuất hiện vào khoảng từ 1969, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990). So với các cuộc CMCN lần thứ Nhất và lần thứ Hai trước đây chỉ thay thế một phần chức năng lao động chân tay của con người bằng máy móc cơ khí, hoặc tự động hoá một phần, hay tự động hoá cục bộ, thì khác biệt cơ bản nhất của cuộc Cách mạng KH&CN hiện đại là sự thay thế phần lớn và hầu hết chức năng của con người (cả lao động chân tay lẫn trí óc) bằng các thiết bị máy móc tự động hoá hoàn toàn trong quá trình sản xuất nhất định.
Cuộc CMCN lần thứ 4 (The Fourth Industrial Revolution) đang được hình thành trên nền tảng của CMCN lần thứ 3, đó là cuộc cách mạng số, đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng này có đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Cuộc CMCN lần thứ 4, đã bắt đầu vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ này và được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo. Một số chuyên gia gọi đây là CMCN thế hệ 4.0. Đó là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS). Nói một cách ngắn gọn thì viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa.

2. Tính quy luật của các cuộc cách mạng công nghiệp
Cơ sở của các cuộc cách mạng công nghiệp là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Lực lượng sản xuất bao gồm bốn yếu tố: người lao động, công cụ, phương tiện , đối tượng sản xuất. Cách mạng công nghiệp là sự đột phá về công cụ, phương tiện sản xuất. Sau mỗi cuộc cách mạng thì công cụ, phương tiện sản xuất, cách thức sản xuất thay đổi, đồng nghĩa với sự xuất hiện một Thời đại kinh tế mớI, đúng như C.Mác đã nhận xét: ''Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào với những tư liệu lao động nào.”(C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2002, t23, tr269). Do đó, có thể nói, nếu tiếp cận dưới góc độ chủ nghĩa Mác – Lê nin thì cách mạng công nghiệp thực chất là cách mạng của lực lượng sản xuất, mà cụ thể hơn là cách mạng về công cụ, phương tiện, cách thức sản xuất. Sau mỗi cuộc cách mạng, nhu cầu lao động cơ bắp giảm dần, lao động đòi hỏi hàm lượng trí tuệ cao chiếm ưu thế. Việc tự động hoá khiến cho người lao động trong sản xuất trực tiếp ít được sử dụng, tuy nhiên năng suất lao động lại tăng lên và đó là lý do các cuộc cách mạng công nghiệp thay thế nhau, bởi xét cho cùng sự thắng thế của thời đại này so với thời đại khác là sự thắng thế của năng suất lao động.
2.1 Sự phát triển của lực lượng sản xuất
Cách mạng công nghiệp 4.0 với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ thông tin, về điều khiển học, về sinh học, về khoa học vũ trụ, về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, quá trình tự động hóa các quá trình sản xuất và dịch vụ xã hội đã bắt đầu. Lực lượng sản xuất xã hội của loài người đã bước sang một giai đoạn phát triển mới về chất. một nền kinh tế tri thức đã hình thành và đặt cơ sở cho sự phát triễn hợp quy luật của chủ nghĩa xã hội – giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản. Điều này cho thấy, ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của chủ nghĩa cộng sản cũng cần được đảm bảo bởi trình độ phát triển của một nền kinh tế tri thức, trong đó khoa học, thông tin, tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Công nghệ thông tin, điều khiển học, trí tuệ nhân tạo và các cuộc cách mạng trong hóa học, sinh học,… sẽ tạo ra một nền sản xuất tự động hóa ngày càng cao. Năng suất lao động sẽ tăng không ngừng, thời gian lao động tất yếu sẽ giảm tối đa. Người lao động sẽ làm việc tự giác hơn, có trách nhiệm hơn với tất cả năng lực của mình. Công cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ hoàn thành vai trò lịch sử của nó – xây dựng và hoàn thiện lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại, đặt cơ sở vững chắc cho chủ nghĩa cộng sản.
Theo định hướng này, quá trình phát triển, hoàn thiện của lực lượng sản xuất của chủ nghĩa cộng sản sẽ phát triển qua hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất, khi nền kinh tế tri thức hình thành, chủ nghĩa cộng sản bước vào giai đoạn 1 – giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở giai đoạn này, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất sẽ được đảm bảo bởi thành quả của hai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và thứ tư. Trong đó, thước đo quan trọng nhất của sự gia tăng mạnh mẽ của các phát minh khoa học, biến khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nhiều phát minh khoa học được kỹ thuật hóa hoặc ứng dụng ngay vào trong quá trình sản xuất và dịch vụ xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp sẽ lan sang cả các lĩnh vực hóa học, sinh học, y học… Các robot sẽ thay thế một phần không nhỏ hoạt động sản xuất của con người. Trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển giúp con người nâng cao khả năng sáng tạo đến những trình độ mới – giai cấp tri thức – chủ nhân thực sự của xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhà nước chuyên chính của một giai cấp sẽ chuyển dần thành cơ quan tự quản xã hội trong quá trình này, đúng như dự báo của C Mác và các nhà kinh điển mácxít. Giai đoạn này được dự báo sẽ kết thúc vào nửa cuối thế kỷ XXI.
Giai đoạn thứ hai, giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa cộng sản. Trong giai đoạn này, các cuộc cách mạng công nghiệp thứ năm và thứ sáu sẽ diễn ra. Trong đó, đa số các phát minh khoa học sẽ được áp dụng ngay vào sản xuất và đời sống xã hội. Hầu hết, các hoạt động sản xuất và dịch vụ xã hội được tự động hóa hoàn toàn. Lao động chân tay sẽ được thay thế bằng lao động trí óc. Các robot sẽ gánh vác tất cả những hoạt động sản xuất và dịch vụ xã hội của con người. Các hoạt động giao thông và dịch vụ cũng sẽ được tự động hóa. Trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều mặt của quá trình sản xuất và quản lý xã hội. Thời gian lao động tất yếu của con người sẽ giảm xuống tối đa. Mỗi tuần người ta có thể chỉ phải lao động một vài giờ. Lao động trở thành nhu cầu tư thân, tất yếu, là giá trị xã hội được mỗi người tôn trọng tuyệt đối. Đây là giai đoạn mà khoa học và công nghệ có những thành tựu to lớn, bất ngờ, làm thay đổi tư duy và hoạt động của con người. Các khái niệm về thời gian, không gian và quan niệm về thế giới vật chất, tinh thần có thể có những thay đổi có tính đột biến. Sự tự do của con người được tôn trọng nhờ những hiểu biết đầy đủ hơn về bản chất của thế giới và sự tuân thủ trong hoạt động của con người với những quy luật cả tự nhiên, xã hội. Đây là giai đoạn mà loài người sẽ tiến bước từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XXI sang thế kỷ XXII. Chủ nghĩa công sản – hình thái kinh tế xã hội mà loài người mong ước được C. Mác dự báo sẽ trở thành hiện thực – Thế giới “Đại đồng”.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin thì khi lực lượng sản xuất thay đổi thì sớm hay muộn quan hệ sản xuất cũng phải thay đổi theo. Ba cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên đã chứng minh điều này và sự thay đổi chủ yếu là thay đổi về mặt tổ chức sản xuất.
2.2 Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến các mặt của quan hệ sản xuất xã hội.
Quan hệ sản xuất với tư cách là hệ thống các quan hệ giữa các chủ thể của chu trình tái sản xuất xã hội được biểu hiện trên ba mặt là quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý và quan hệ phân phối. Sự thay đổi mang tính chất cách mạng của lực lượng sản xuất dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời tác động đến tất cả các mặt của hệ thống quan hệ sản xuất xả hội.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thể hiện trình độ mới của xã hội hóa sản xuất, sự hình thành và phát triển của hệ thống sản xuất mới với các nhà máy thông minh có thể đòi họi phải tập trung được những lượng vốn đủ lớn mà từng chủ thể kinh doanh riêng lẻ không đủ sức. Công ty cổ phần sẽ là một trong số các mô hình phù hợp để phát triển trong cả hiện tại và tương lai. Do đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thúc đẩy các hình thức sở hữu cổ phần phát triển.
Đồng thời, trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, các yếu tố sản xuất, đặc biệt là tư liệu sản xuất luôn mang những hình thái xã hội nhất định, thể hiện thông qua những quan hệ sở hữu cụ thể và từ đó tạo ra tiền đề, điều kiện nhất định cho việc thực hiện quá trình sản xuất, cũng như trao đổi, phân phối, tiêu dùng. Tuy nhiên, trong từng hệ thống quan hệ sở hữu lịch sử cụ thể, yếu tố quyết định thể hiện tác động của sự phát triển của lực lương sản xuất tới sở hữu luôn là đối tượng sở hữu chủ yếu.
Trước cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đối tượng chủ yếu của sở hữu là vốn tài chính. Các chủ thể sở hữu vốn có vai trò quyết định trong mối quan hệ với các chủ thể khác của quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với những sự thay đổi vô cùng mạnh mẽ vai trò của khoa học – công nghệ trong quá trình sản xuất kinh doanh, vị thế của yếu tố tài chính có xu hướng giảm xuống so với yếu tố khoa học - công nghệ. Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ thể nắm công nghệ ngày càng có vị trí quyết định. Nếu trong điều kiện hiện tại, giá trị gia tăng của ngành sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào việc gia công vật liệu như kim loại thành sản phẩm, đưa vào đó phần mềm hoặc hệ thống điều khiển, thì trong tương lai hệ thống kết nối Internet sẽ thu thập nhu cầu của khách hàng, dựa trên cơ sở đó nhà sản xuất sẽ chỉ cập nhật phầm mềm để lên đời sản phẩm như những chiếc điện thoại thông minh hiện nay. Không chỉ những sản phẩm, mà thiết bị sử dụng trong sản xuất chỉ cần cập nhật phầm mềm để thêm tính năng mới mà không cần thay đổi các chi tiết hay bộ phận. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ thay đổi trong mối quan hệ với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc “lật đổ” ngoại mục của các doanh nghiệp công nghệ thông tin khi họ biến các doanh nghiệp sản xuất thành “tay sai” cho mình. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đang chủ động phát triển sản phẩm riêng của mình và vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin chỉ là hỗ trợ. Tuy nhiên, với khả năng thu thập và phân tích dữ liệu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ nắm được nhu cầu khách hàng và tự đưa ra được những sản phẩm tương ứng, sau đó họ sẽ thuê doanh nghiệp sản xuất làm sản phẩm giúp mình. Như vậy, trong tương lai thì tài năng, chứ không phải là vốn sẽ là yếu tố quan trọng bậc nhất, cốt lõi của sản xuất. Do đó, vai trò đối tượng sở hữu chủ yếu sẽ thuộc về trí tuệ. Trong bối cảnh đó, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được đặt lên hàng đầu. Các vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh và thương hiệu hàng hóa vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu giải quyết.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động rất lớn đến quan hệ tổ chức quản lý kinh doanh. Với sự hình thành, phát triển và gắn kết các nhà máy thông minh qua Internet kết nối vạn vật thì không những tất cả máy móc thiết bị trong công xưởng được kết nối với nhau thông qua Internet, các máy móc có thể tự giao tiếp với nhau mà không cần có sự có mặt của con người, dây chuyền sản xuất sẽ được vận hành tự động một cách hợp lý với lượng tồn kho… mà cả các doanh nghiệp cũng được kết nối với nhau từ các doanh nghiệp sản xuất các chi tiết đến các doanh nghiệp lắp ráp, doanh nghiệp vận chuyển, cửa hàng phân phối và tiêu thụ thành một thể thống nhất. Sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ nhanh chóng song cũng đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác tổ chức quản lý là phải liên tục nâng cao hiệu quả, đáp ứng ngay lập tức đến những sự thay đổi của thị trường và đáp ứng nhu cầu cho tùy chính sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Việc nghiên cứu nhu cầu thị trường, thông tin sản phẩm và hợp tác đổi mới và các mô hình hoạt động mới, các dịch vụ và mô hình kinh doanh, độ tin cậy và năng suất liên tục, an toàn công nghệ thông tin, an toàn trong hoạt động cơ khí, vòng đời sản phẩm, chuỗi giá trị công nghiệp, giáo dục và kỹ năng lao động cho công nhân… ngày càng trở lên quan trọng. Sự tăng tốc của đổi mới, sự thay đổi không tránh khỏi từ số hóa đơn giản sang đổi mới dựa trên sự kết hợp của các công nghệ đang buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại cách thức kinh doanh. Từ đó, đòi hỏi đội ngũ quản lý phải hiểu môi trường thay đổi của họ, thách thức các giả định của nhóm điều hành của họ, đổi mới không ngừng và liên tục. Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai không xa, sản phẩm, con người và máy móc sẽ giao tiếp với nhau như trên mạng xã hội. Để duy trì tính cạnh tranh, các nhà máy sẽ phải cung cấp các thiết bị tùy chỉnh và có khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng; sử dụng IoT và các công nghệ khác để số hóa toàn bộ quy trình, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; hợp nhất mạng lưới sản xuất dùng giải pháp quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) dựa trên Internet để nhân viên có thể làm việc thông qua mạng; dùng robot bán tự động làm việc bên cạnh con người để tăng năng suất và vẫn đảm bảo chất lượng; phân tích dữ liệu thu thập được về khách hàng để cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số mới.
Về quan hệ phân phối, mặc dù cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo là có tiềm năng nâng cao thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới, tuy nhiên sự phân chia thu nhập sẽ có thể trở lên ngày càng thiên lệch, đặc biệt, đặt ra thách thức rất to lớn đối với đội ngũ lao động trình độ thấp, đối với các doanh nghiệp, quốc gia thiếu sức cạnh tranh
Kết luận
Tóm lại, cách mạng công nghiệp lần thứ tư không những thể hiện là trình độ phát triển mới về chất của lực lượng sản xuất, nhanh chóng biến khoa học – công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, mà còn thông qua đó tạo ra những yêu cầu mới đối với quan hệ sản xuất trên cả ba mặt sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Do đó, đòi hỏi không những các chủ thể kinh doanh phải năng động, sáng tạo hơn, mà còn đòi hỏi nhà nước trong từng quốc gia phải thay đổi thích ứng với xu thế đó nhằm tạo lập những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Các cuộc cách mạng công nghiệp đều nằm trong chu kỳ vận động, phát triển nhất định. Đó thực chất là cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ. Mà khoa học công nghệ cũng có chu kỳ vận động của nó (phát triển – đình trệ, khủng hoảng – cách mạng). Khi cách mạng xuất hiện lại bắt đầu một chu kỳ phát triển mới. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện báo hiệu đã kết thúc một chu kỳ và bước sang chu kỳ mới. Trong sự vận động của các chu kỳ đó, nhìn chung dù mức độ khác nhau nhưng các cuộc cách mạng công nghiệp sau đều có sự phủ định và kế thứa các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.
Thực tế cho thấy, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ phát triển không đều trên phạm vi thế giới, có những nước nhanh chóng trải qua, nhưng có những nước không bắt kịp và vẫn còn đang bắt đầu với cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Do đó không có sự song hành về cách mạng công nghiệp ở các nước, nước nào nắm được khoa học tiên tiến và ứng dụng nhanh vào phát triển lực lượng sản xuất . Như vậy là, nếu nhìn nhận các cuộc cách mạng công nghiệp từ thế kỷ XVIII đến nay, dưới quan điểm mácxít về lực lượng sản xuất sẽ thấy Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai là hai cuộc cách mạng tạo nền tảng kinh tế, kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và thứ tư là hai cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra tiền đề kinh tế kỹ thuật cho hình thái kinh tế xã hội mới – chủ nghĩa công sản.
ThS. Nguyễn Thị Thu Trang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Cục Thông tin khoa học và công nghệ: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, http://vista.vn/
2.Larry Hatheway: Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, http://nghiencucquocte.org
3.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2016.
4.Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tổng hợp báo cáo doanh nghiệp năm 2014, 2015, 2016, Hà nội.
5.Chu Ngọc Anh: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với các mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam, http://www.tapchicongsan.org.vn
6.Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bối cảnh, các xu hướng lớn và những sản phẩm điển hình, Tạp chí Tự động hóa ngày nay, 5/2016;
7.Design Principles for Industrie 4.0 Scenarios, Hermann, Pentek, Otto, 2015.
8.Only One-Tenth of Germany’s High-Tech Strategy, Bill Lydon, Industry 4.0,2014.
9.Only One-Tenth of Germany’s High-Tech Strategy, Deloitte, Industry 4.0, 2015