Trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Tú Trinh, công bố trên Tạp chí Đông Nam Á, Số 9/2019

THAM VỌNG CỦA TRUNG QUỐC, LÀO TRONG XÂY DỰNG ĐẬP THỦY ĐIỆN TRÊN SÔNG MÊ KÔNG VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI VIỆT NAM

 TS. Nguyễn Thị Tú Trinh [1]

TÓM TẮT

Sông Mê Kông là một trong một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Dòng sông chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đóng góp những giá trị kinh tế cho các nước trong lưu vực sông Mê Kông. Tuy nhiên, do xuất phát từ lợi ích quốc gia, hiện nay các nước Trung Quốc và Lào đã tăng cường xây dựng nhiều dự án thủy điện, ra sức ngăn chặn dòng chảy sông Mê Kông nhằm thỏa mãn nhu cầu về phát triển hệ thống thủy điện. Điều này đã và đang gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn cho các nước phía hạ nguồn, trong đó Việt Nam nằm vị trí cuối cùng của hạ nguồn sông Mê Kông nên sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Do đó, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp trước mắt và lâu dài thông qua cơ chế hợp tác song phương và đa phương nhằm giúp cho Việt Nam có thể khắc phục những khó khăn và thách thức trước sự thay đổi của dòng chảy sông Mê Kông.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

1.1 Giá trị kinh tế của sông Mê Kông

Sông Mê Kông “có chiều dài 4.800 km, bắt nguồn từ lòng chảo Tây Tạng, chảy qua các địa phận thuộc lãnh thổ của nhiều nước ở Châu Á như: Vân Nam (Trung Quốc), Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam” (Phạm Thái Quốc, 2006, tr.9). Lưu lượng nước chảy của sông Mê Kông hàng năm “khoảng 475 tỷ m, với diện tích lưu vực khoảng gần 800.000 km2. Trong tổng diện tích lưu vực này, Trung Quốc chiếm 21%; Lào chiếm 25%; Myanma chiếm 3%; Thái Lan chiếm 23%; Campuchia chiếm 20% và Việt Nam chiếm 8%” (Phạm Thái Quốc, 2006, tr.9).

Sông Mê Kông đã mang về những giá trị to lớn cho các nước trong Tiểu vùng, nó cung cấp một lượng thủy hải sản khổng lồ. Các nhà khoa học đã xác định được khoảng 850 loài cá, nhưng ước tính có hơn 1.000 loài trên thực tế. Theo đánh giá của tổ chức sông ngòi quốc tế, giá trị kinh tế của ngành thủy sản từ sông Mê Kông là vô cùng to lớn. Trong một công bố gần đây, các nhà khoa học cùng với Ủy ban sông Mekong (MRC) đã có nhiều câu trả lời về giá trị kinh tế do dòng sông dài thứ 12 thế giới này đem lại. Theo đó, chỉ riêng giá trị thủy sản được đánh bắt từ hạ lưu sông Mekong đã lên tới 17 tỷ USD một năm, góp 3% vào tổng GDP của nhóm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, và Thái Lan” (Ý Nhi, (2016), https://nhipcaudautu.vn). Theo báo cáo này, “Việt Nam đang thu về 5,74 tỷ USD từ thủy sản trên sông Mekong, tương đương 3,1% GDP cả nước. Thái Lan thì nhận được 6,72 tỷ USD, tương đương 1,8% GDP nước này” (Ý Nhi, (2016), https://nhipcaudautu.vn).

Ngoài những giá trị kinh tế, sông Mê Kông còn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hoá và phục vụ giao thông đi lại của người dân giữa các thị trấn bên dòng sông hàng ngàn năm. Từ thời xa xưa, sông Mê Kông được đánh giá là tuyến đường thủy quan trọng để trung chuyển hàng hóa và con người giữa 6 quốc gia lớn trong khu vực Mê Kông. Ngày nay, sông Mê Kông trở thành cửa ngõ quan trọng trong quá trình giao thương giữa 6 quốc gia này với nhau và thế giới.

Tại Thái Lan, “mặc dù phụ thuộc nhiều vào thời tiết, sông Mê Kông vẫn đóng vai trò là tuyến đường thủy quan trọng giữa Kumming và Bangkok với tổng khối lượng hàng hóa chuyên chở hàng năm qua tuyến này lên tới 300 ngàn tấn với mức độ gia tăng liên tục từ 8 - 11%/ năm. Thông qua tuyến đường thủy này, Thái Lan nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa da dạng từ Trung Quốc, bao gồm các loại vật liệu, phân bón, nông sản theo mùa. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng sử dụng Mê Kông là tuyến đường chính xuất khẩu hàng hóa bản địa” (Hà Vũ, (2017), http://www.tapchigiaothong.vn).

Tại Lào, “phương tiện chủ yếu hoạt động trên sông Mê Kông phần lớn có công suất tải trọng từ 50 đến 100 DWT. Phần lớn các phương tiện này đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển gỗ, nông sản và vật liệu xây dựng” Hà Vũ, (2017), http://www.tapchigiaothong.vn).

Còn tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông, Việt Nam và Campuchia coi sông Mê Kông là tuyến thương mại đường thủy lớn nhất với khối lượng hàng hóa giao thương giữa 2 quốc gia liên tục gia tăng hàng năm. “Vào năm 2009, Việt Nam cũng đưa vào hoạt động cảng Cái Mép nhằm đưa các hoạt động giao thương làm trọng điểm kinh tế đối với các khu vực thuộc con sông lớn này. Cảng Cái Mép là điểm tập hợp những tàu thuyền có chiều sâu lên tới 15,2m - tương đương với những tàu container có kích cỡ lớn nhất thế giới từ các nước châu Âu và Hoa Kỳ, hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa tại khu vực này” (Hà Vũ, (2017), http://www.tapchigiaothong.vn).

Tiềm năng thủy điện: Tiềm năng thủy điện lưu vực sông Mê Kông có thể lên tới 176.350 – 250.000 MW(Nguyễn Hữu Thiện, 2014, tr.2). Trong đó, bốn nước hạ lưu: Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam có tiềm năng thủy điện quốc gia ước tính khoảng 50.000 - 64.750 MW.

Bảng 1:  Tiềm năng thủy điện trong lưu vực sông Mê Kông

Khu vực

Công suất (MW)

Trung Quốc:

 

23.000

Hạ lưu vực:

 30.900

 

Trên dòng chính:

 

13.000

 

Trên các dòng nhánh:

 

 

17.900

Dòng nhánh ở Lào:

 

 

13.000

 

Dòng nhánh ở Campuchia:

 

 

2.200

 

Dòng nhánh ở Thái Lan:

 

700

 

Dòng nhánh ở Việt Nam:

 

2.000

 

Nguồn: Tài liệu tham khảo (Nguyễn Nhân Quảng, http://nature.org.vn, tr.2).

Như vậy, với vị trí đặc biệt là nguồn cung cấp tài nguyên cho các hoạt động nông nghiệp, kết nối giao thương, vận tải đường thủy giữa các quốc gia trong khu vực với nhau và toàn thế giới, sông Mê Kông đang đóng vai trò quan trọng cho việc thúc đẩy kinh tế tại các nước đi qua, vì vậy cần có sự hợp tác giữa các bên nhằm đảm bảo sự công bằng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất trên con sông huyết mạch này.

1.2 Cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng

Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (Greater Mekong Subregion - GMS),  là tổ chức hợp tác giữa các nước có chung dòng sông Mê Kông chảy qua, được thành lập vào năm 1992 theo đề xuất sáng kiến từ Ngân hàng phát triển Châu Á (Asian Development Bank - ADB). Tổ chức GMS bao gồm 6 quốc gia: Trung Quốc[2], Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Mục đích hợp tác của GMS nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và chia sẻ hài hòa lợi ích trong khai thác nguồn tài nguyên từ sông Mê Kông.

Sở dĩ GMS được hình thành là do do yêu cầu về sự phát triển hợp tác khu vực và quốc tế trong quá trình toàn cầu hóa, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của nhiều tổ chức liên kết kinh tế với quy mô và mức độ khác nhau. Trước xu hướng chung đó, các nước trong GMS nhận thấy cần phải tăng cường tính phụ thuộc lẫn nhau nhằm hình thành một nền kinh tế thống nhất trong khu vực để có thể tận dụng được cơ hội của quá trình toàn cầu hóa, đồng thời giúp cho các nước thành viên phối hợp với nhau để đối phó với những khó khăn, thách thức mà xu hướng này mang lại.

Ngoài ra, trước khi GMS thành lập, các quốc gia trong GMS đã nhận thức một cách sâu sắc và toàn diện nhu cầu hợp tác, liên kết khu vực. Nhu cầu này xuất phát từ ý thức trong việc gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, đó là lợi ích trực tiếp mà sông Mê Kông đã mang lại cho các quốc gia. Vì đa phần các nước trong GMS có nền nông nghiệp lúa nước phát triển lâu đời, nên mối quan tâm rất lớn đối với các quốc gia này là việc khai thác và sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt kinh tế, các nước trong GMS chưa tự mình tạo dựng được cơ chế gắn kết với nhau. Cho đến khi được sự giúp đỡ của Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc, và sau này là sự gợi ý từ sáng kiến của tổ chức ADB, tổ chức GMS mới bắt đầu hình thành. Do đó, có thể nói sự ra đời của GMS cũng gắn liền với sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa khu vực. Bên cạnh đó, các nước trong GMS có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội, là cơ sở để các nước tăng cường hợp tác với nhau vì mục tiêu chung của GMS cũng như mục tiêu của từng nước thành viên.

Như vậy, có thể thấy rằng GMS được hình thành xuất phát từ những yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó yếu tố chủ quan được đánh giá là quan trọng. Bởi vì nếu không có sự thay đổi nhận thức của các nước GMS trước xu thế hội nhập khu vực thì không thể có sự liên kết giữa các quốc gia để giải quyết những yêu cầu, những thách thức đặt ra trong khu vực. Chính vì vậy, sự ra đời của GMS phù hợp với yêu cầu thực tiễn của mỗi nước cũng như phù hợp với tiến trình hội nhập toàn cầu và khu vực trên thế giới, nhằm thực hiện mục tiêu chung là biến Tiểu vùng thành khu vực có nền kinh tế năng động và phát triển ở Châu Á.

Hoạt động hợp tác của GMS chủ yếu diễn ra trên các lĩnh vực: Giao thông tận tải; Năng lượng và Bưu chính viễn thông;  Du lịch; Thương mại; Đầu tư; Phát triển Nguồn nhân lực; Nông nghiệp; Môi trường và Quản lý nguồn nước sông Mê Kông.

2. Tham vọng của Trung Quốc và Lào trong phát triển hệ thống thủy điện trên sông Mê Kông

2.1 Tham vọng của Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia đầu nguồn của sông Mê Kông, dòng sông này chảy qua địa phận các tỉnh Thanh Hải, khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với tên gọi Lan Thương và có chiều dài hơn 2.161 km. Về mặt phân bố địa lý dọc theo sông Mê Kông, “tỉnh Vân Nam chiếm 16% lưu lượng nước, 12% diện tích của toàn châu thổ và 16% số dân sống trong lưu vực này” (Đào Việt Hưng, 2008, tr.41). Chính vì vậy, tỉnh Vân Nam có vị trí rất quan trọng cả về địa lý cũng như trong hợp tác kinh tế - xã hội với các nước GMS, và cũng là tỉnh tham gia vào quá trình hợp tác GMS.  Tuy nhiên, theo quan niệm của Trung Quốc, tiếp giáp với 5 nước trong GMS không chỉ có Vân Nam mà có cả khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Vì vậy, năm 2005, theo đề nghị của Trung Quốc và được sự thống nhất của các nước GMS, tỉnh Quảng Tây được tham gia vào các hoạt động của tổ chức này.

Mặc dù Trung Quốc chỉ có hai tỉnh tham gia vào hợp tác GMS, nhưng trong thực tế, “sự hợp tác này được sự hậu thuẫn của cả Trung Quốc về nguồn lực trong nước lẫn ngoại giao” (Đào Việt Hưng, 2008, tr.42). Biểu hiện rõ nhất là trong các lần tham dự Hội nghị cấp cao và Hội nghị cấp Bộ trưởng GMS “luôn có sự tham gia của những người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của Trung Quốc tới quan hệ hợp tác này đã vượt khỏi phạm vi địa phương” (Đào Việt Hưng, 2008, tr.42).

Xét về lợi ích kinh tế, sông Lan Thương tại Vân Nam “tuy chỉ đóng góp 16% lượng dòng chảy, nhưng với lợi thế về địa hình, phần sông chảy qua Trung Quốc có tiềm năng thủy điện gần bằng tiềm năng thủy điện của tất cả các quốc gia hạ lưu vực” (Trần Cao Thành, 2006, tr.29). Do đó, vấn đề quan tâm hàng đầu của Trung Quốc là khai thác triệt để nguồn nước sông Mê Kông để sản xuất năng lượng nhằm thỏa mãn “cơn khát” về thủy điện mà Trung Quốc đang thiếu hụt. Như vậy, có thể thấy tham vọng lớn nhất của Trung Quốc khi khai thác lợi ích từ sông Mê Kông tập trung chủ yếu trong việc phát triển hệ thống thủy điện nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Một khi hệ thống thủy điện ở Vân Nam được xây dựng sẽ là chìa khóa cho kế hoạch chiến lược của Trung Quốc nhằm phát triển vùng Tây Nam vốn còn nghèo khó, đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực Đông Nam Á và đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ nhưng thiếu năng lượng của vùng ven biển phía Đông.

Để thực hiện tham vọng đó, từ năm 1980, Trung Quốc đã quy hoạch xây dựng 25 bậc thang trên dòng chính với tổng cộng suất lắp máy là 25.870 MW, 120 dự án thủy điện trên các dòng nhánh với tổng Kông suất lắp máy là 2.600 MW. Trong đó, trên sông Lan Thương thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thủy điện với tổng Kông suất lắp máy lên đến 22.860MW, tổng dung tích chứa 52,81 tỷ m3, dung tích hữu ích 29,3 tỷ m3. Tính từ năm 1993 đến 2013, Trung Quốc đã xây dựng 4 đập thủy điện ngăn dòng chính sông Mê Kông, trong đó đập thủy điện Mãn Loan đã hoàn thành vào năm 2000 với công suất 1500 MW, dung tích hồ 890 triệu m3; Đập thủy điện Đại Triều Sơn cũng hoàn thành vào năm 2000 với công suất 1350 MW, dung tích hồ 890 triệu m3, đặc biệt là đập thủy điện Tiểu Loan hoàn thành năm 2013 với công suất lắp máy 4.200MW, dung tích hồ 15,13 tỷ m3. Dự kiến đến năm 2020, trên sông Lan Thương sẽ có 8 nhà máy thủy điện được đưa vào vận hành.

Bảng 2: Các dự án thủy điện đã hoàn thành tại Trung Quốc

TT

Dự án thủy điện

Diện

tích lưu

vực

(km2)

Tổng

dung tích

(103

m3)

Dung tích

hữu ích

(103

m3)

Công suất

lắp đặt

(MW)

Số tổ

máy

Sản

lượng

(GWh)

1

Mãn Loan

114.500

920

257

1500

6

6710

2

Đại Triệu Sơn

121.000

933

367

1350

6

5500

3

Cảnh Hồng

149.100

1233

249

1500

5

5570

4

Tiểu Loan

113.300

14.560

9900

4200

6

18.540

5

Công-Quả-Kiều

 

 

 

900

 

 

6

Nọa-Trác-Độ

 

24.670

 

5850

 

 

Nguồn: Tài liệu tham khảo (Nguyễn Nhân Quảng, http://nature.org.vn, tr.3)

Trong kế hoạch dài hạn “đến năm 2040, Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thủy điện với tổng công suất lắp máy lên đến 22.860 MW, tổng dung tích chứa 52,81 tỷ m3, dung tích hữu ích 29,3 tỷ m3(Đào Trọng Tứ, 2013, tr.29).

2.2 Tham vọng của Lào

Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không giáp biển, nhưng lại có tiềm năng thủy điện rất lớn và chưa được khai thác triệt để, mới chỉ khai thác gần 2%. Sở dĩ Lào có nhiều tiềm năng về thủy điện là do phần lớn tài nguyên nước sông Mê Kông nằm trên lãnh thổ của Lào. Đây là quốc gia có đến 88% diện tích nằm trong lưu vực sông Mê Kông. Trong đó, “khoảng sông ở Lào đặc trưng bởi các hẻm núi sâu, các dòng chảy xiết và những vũng nước sâu khoảng nửa mét vào mùa khô. Nó mở rộng ra ở phía nam Luang Prabang, ở đó nó có thể rộng tới 4 km và sâu tới 100 mét, mặc dù dòng chảy của nó vẫn rất trái ngược nhau”( http://www.sggp.org.vn, 2000).

Chính vì sở hữu đoạn sông Mê Kông chảy qua tương đối nhiều, nên Lào đã tận dụng triệt để lợi thế địa hình để xây dựng các công trình thủy điện nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho quốc gia và xuất khẩu điện sang các nước khác trong khu vực.

Từ năm 2007, Lào đã đồng loạt khởi động việc nghiên cứu xây dựng các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông. Chỉ trong một thời gian ngắn, “từ tháng 3 đến tháng 10 -2007, Lào đã ký biên bản ghi nhớ với các nước để nghiên cứu chuẩn bị cho xây dựng hàng loạt các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông”(Đào Trọng Tứ, 2009). Tổng cộng có 10 dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông đang được tiến hành xây dựng tại Lào.

Bảng 3: Các dự án thủy điện dòng chính tại Lào

Tên

công trình

F

lưu vực

(km2)

F

hồ chứa

(km2)

MNDBT

(m)

MNC

(m)

Whi

(106.m3)

N

lắp máy

(MW)

Pak Beng

218.000

110

345

340

442,4

1.230

Luang Phrabang

230.000

110

320

310

936,7

1.410

Xayaburi

272.000

30

275

270

224,7

1.260

Pak Lay

283.000

110

240

235

383,5

1.320

Sanakham

304.220

122

215

210

106,1

1.200

Pakchom

279.000

90

192

190

11,8

1.079

Ban Koum

419.000

130

115

115

0

1.872

Don Sahong

 

 

74,5

72

115

360

Nguồn: Tài liệu tham khảo (Nguyễn Nhân Quảng, http://nature.org.vn, tr.4)

 Gần đây nhất, Lào tuyên bố xây dựng đập Pak Beng - đập thủy điện lớn thứ ba, sau hai đập Xayaburi và Don Sahong, bất chấp sự phản đối từ phía các nước thuộc GMS.

Đánh giá về lợi ích các đập thủy điện xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông tại Lào chủ yếu được xem xét trên hai nội dung là phát triển năng lượng và kinh tế.

Về phát triển năng lượng: Các con đập dòng chính hạ lưu sông Mê Kông có tiềm năng đóng góp đáng kể cho sản xuất năng lượng toàn vùng hạ lưu trong đó có Lào, ước tính khoảng 23% tiềm năng thủy điện kỹ thuật và 11% công suất lắp đặt vào năm 2025. Thủy điện sẽ góp phần đáng kể đáp ứng nhu cầu năng lượng tại Lào trong điều kiện quốc gia này còn đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chưa có giải pháp thay thế. Theo tính toán, nếu 10 con đập được xây dựng, đến năm 2025, các dự án dòng chính có thể đóng góp khoảng 6-8% nhu cầu năng lượng toàn khu vực nói chung và tại Lào nói riêng, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng năng lượng dự kiến của lưu vực sông Mê Kông mỗi năm (2015-2025).

Đối với phát triển kinh tế: Nếu tất cả các dự án dòng chính được triển khai, Lào sẽ thu được khoảng 70% các nguồn thu từ xuất khẩu điện (2,6 tỷ USD/năm). Qua đó có thể thấy giá trị kinh tế mà thủy điện mang về cho Lào là rất lớn, nó trở thành đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia này. Chính vì vậy, việc sử dụng các khoản thu từ thủy điện đã được Chính phủ Lào xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, các chiến lược quốc gia về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, cũng như đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển xã hội.

Ngoài ra, Lào cũng tận dụng nguồn nước sông Mê Kông để bảo vệ rừng đầu nguồn, phát triển hệ thống thủy lợi, giao thông đường thủy, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp….

3. TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Việt Nam là quốc gia nằm vị trí cuối cùng có đoạn sông Mê Kông chảy qua. Lưu vực sông Mê Kông ở Việt Nam “có diện tích khoảng 71.000km2, chiếm hơn 8% diện tích toàn lưu vực và 20% diện tích tại Việt Nam”(http://vnmc.gov.vn), chảy qua địa phận chủ yếu là Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp 11-12% lượng nước vào dòng chảy, còn lại khoảng 88-89% lượng nước là từ nước ngoài chảy vào.

Sông Mê Kông khi chảy xuống hạ lưu Phnôm Pênh vào Việt Nam được chia thành 2 nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu, từ đó chia ra nhiều nhánh nhỏ đổ ra biển Đông, tạo nên Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nhận định của Việt Nam: “lưu vực của sông Mê Kông nằm trên phần  lãnh  thổ Việt Nam là một trong những khu vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Nhờ những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và khí hậu cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, khu vực này đóng góp khoảng 90% lượng gạo và 53% lượng cá và  tôm xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, trong khi dân số chỉ chiếm khoảng 1/5 của cả nước.” (Nguyễn Hồng Nhung, 2006, tr.15).

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là dựa lúa lớn nhất với diện tích đất sản xuất nông nghiệp năm 2011 là 2.616,5 nghìn hecta, chiếm 64,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả nước (Nguyễn Thị Hồng Nhung, 2011, tr.5).

Giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng năm 2011 chiếm 33,3% so với giá trị nông nghiệp của cả nước, gấp 1,91 lần so với giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng và gấp 2,28 lần vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; gấp 3,24 lần so với vùng trung du và miền núi phía Bắc, 2,29 lần giá trị sản xuất của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và hơn khu vực Đông Nam Bộ 3,19 lần” (Bùi Duy Hoàng, 2014,tr.1). Do nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt nên nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nông nghiệp tại vùng này là rất lớn, đặc biệt là nguồn nước từ sông Mê Kông. Theo số liệu thống kê cho thấy, “Việt Nam là quốc gia sử dụng nước nhiều nhất trong các quốc gia tại hạ lưu sông Mê Kông, với tổng lượng nước sử dụng hàng năm chiếm 55,8% tổng lượng nước sử dụng của các nước hạ lưu sông Mê Kông (72% trong mùa khô và 28,9 % mùa mưa) (http://www.vnmc.gov.vn).

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, lượng phù sa từ sông Mê Kông đổ về đã làm hn chế hiện tượng xói ldc bbiển,các chu kì lũ hàng năm từ sông Mê Kông giúp Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mn, ra phèn, ci tạo đất và qua đó cải thiện năng sut nông nghiệp”(Bùi Anh Thư & Trần Thị Thanh Thanh, 2015,tr.68).

Chính vì vai trò của sông Mê Kông đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, nếu các đập thủy điện tại Trung Quốc và Lào được xây dựng sẽ tác động trực tiếp đến dòng chảy sông Mê Kông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước, làm tăng nguy cơ lũ quét, giảm lượng phù sa, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển các loài cá, tác động đến môi trường, và đặc biệt là sự xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam do thiếu nước vào mùa khô. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là nơi chịu tác động giao thoa giữa quá trình sông ở thượng nguồn và quá trình biển ở hạ nguồn. Khi quá trình sông yếu đi, quá trình biển sẽ lấn, gây nguy cơ ngập mặn sâu hơn và sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống nông nghiệp và đời sống dân cư. Do vậy, đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, “ tại Đồng bằng Tây Nam Bộ, những trận lũ lớn đã làm ngập úng 90% diện tích từ 4 đến 5 tháng; ngược lại trong mùa khô, trên 70% diện tích bị xâm nhập mặn”( Lê Thành Ý, 2011, tr.15).

Từ thực tiễn những gì đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, có thể thấy việc xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông tại Trung Quốc và Lào đã đặt Việt Nam vào tình thế phải gánh chịu những tác động nặng nề về môi trường lẫn ngoại giao do những tham vọng mà các nước phía thượng nguồn đang theo đuổi. Các bước đi của Trung Quốc trên sông Mê Kông trong những năm gần đây một mặt đang tạo ra nguy cơ mất an ninh nguồn nước, nhưng mặt khác nó còn tạo nên những hệ lụy môi trường và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là tác động trực tiếp đến sinh kế của hàng trục triệu người dân sống tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính vì vậy, nguy cơ về tranh chấp nguồn nước có thể xảy ra nếu như các nước phía thượng nguồn không có sự thống nhất trong nhận thức và trong hành động về sử dụng hiệu quả và hợp lý nguồn nước sông Mê Kông. Điều đó đòi hỏi Việt Nam và các nước thành viên trong GMS cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn ở khía cạnh địa chính trị để có những đối sách ứng phó kịp thời, nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn nước sông Mê Kông một cách công bằng, bền vững. Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng cần có những giải pháp mang tính khả thi và cụ thể nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thất do tác động từ những dự án thủy điện gây ra cho Việt nam.

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Sông Mê Kông là một thể thống nhất không thể chia cắt. Do đó, muốn đánh giá tài nguyên, dự báo biến động nguồn tài nguyên và môi trường sinh thái thì một quốc gia riêng lẻ không thể nào thực hiện được, cần phải có sự phối hợp hoạt động của tất cả các quốc gia dưới sự điều hành, quản lý của một cơ quan đủ thẩm quyền và uy tín do chính các nước này lập ra. Các quốc gia này nếu không tăng cường hợp tác với nhau thì không những không sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của khu vực mà còn có nguy cơ xâm phạm đến lợi ích quốc gia, gây căng thẳng và nguy cơ bùng nổ xung đột. Do đó, vấn đề đặt ra là trong quá trình khai thác lợi ích từ sông Mê Kông, các nước cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất, phải xây dựng cơ chế sử dụng nước, có kế hoạch hành động, dư án cụ thể trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải được tôn trọng, gắn với trách nhiệm của mỗi quốc gia đối với cả khu vực vì sự hợp tác phát triển bền vững. 

Để thực hiện tốt mục tiêu hợp tác phát triển bền vững khu vực sông Mê Kông, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Đối với Trung Quốc, thông qua cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê Kông được thiết lập vào năm 2016, Việt Nam cần tăng cường hợp tác và đấu tranh để yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp đầy đủ các chỉ số liên quan đến các dự án thủy điện mà Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng nhằm nghiên cứu tính khả thi cũng như sự ảnh hưởng của nó đến môi trường. Có thể thấy việc thông qua cơ chế mới có ý nghĩa rất quan trọng, hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp cho hợp tác giữa hai nước cũng như giữa các nước khác trong GMS, nó chính là nền tảng vững chắc để đảm bảo cho các nước GMS khai thác nguồn nước một cách Kông bằng và hợp lý, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cho Việt Nam khi giải quyết các bất đồng liên quan đến nguồn nước sông Mê Kông.

Đối với Lào, trong quá khứ, quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào đã sớm được xây dựng, gìn giữ và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Trên nền tảng vững chắc đó, tình đoàn kết đặc biệt thủy chung giữa hai nước đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng hơn trên cả hai phương diện hợp tác đa phương và song phương. Hai nước cần nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân các nước ven sông, ngăn ngừa và ứng phó có hiệu quả với những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Thông qua MRC, Việt Nam nên đề nghị phía Lào cung cấp đầy đủ những thông tin liên quan đến các dự án thủy điện mà Lào đang có kế hoạch xây dựng, đồng thời tiếp tục yêu cầu phía Lào hoãn việc xây dựng dự án thủy điện Don Sahong để đánh giá đầy đủ các tác động mọi mặt của dự án lên môi trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Báo Sài Gòn giải phóng. (2000). Cuộc họp lần thứ 7 sông Mê Công bốn nước: Lào – Việt Nam – Campuchia – Thái Lan. Truy xuất từ http://www.sggp.org.vn (ngày 30-10-2000).

2. Bùi Anh Thư & Trần Thị Thanh Thanh. (2015). Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước hạ nguồn sông MeKong trong vấn đề an ninh nguồn nước gắn với phát triển đô thị bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 10 (76), tr.66 – 77.

3. Bùi Duy Hoàng. (2014). Vai trò của kinh tế nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những lĩnh vực sản xuất phát triển động lực trong nông nghiệp của vùng. Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam.

4. Đào Trọng Tứ. (2009). Chính sách phát triển Mê Kông trên quy mô khu vực: Ảnh hưởng và ứng phó từ phía Việt Nam. Truy xuất từ http://www.nature.org.vn

5. Đào Trọng Tứ. (2013). Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, kỳ 2, tr.29 – 30.

6. Đào Việt Hưng. (2008). Mục tiêu của Trung Quốc trong hợp tác GMS. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, số 10 (150), tr.41 – 50.

7. Hà Vũ. (2017). Mê Kông: kết nối giao thương quốc tế. Truy xuất từ Tạp chí điện tử của Bộ Giao thông Vận tải  http://www.tapchigiaothong.vn/me-kong-ket-noi-giao-thuong-quoc-te-d48288.html (ngày 03/09/2017).

8. Lê Thành Ý. (2011). Phát triển bền vững Tiểu vùng Mê Công và những thách thức khó lường đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. số 10, tr.13 – 15.

9. Nguyễn Hồng Nhung. (2006). Một số giải pháp trong hợp tác GMS nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các hành lang kinh tế cho phát triển kinh tế. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 11 (127), tr. 32- 38.

10. Nguyễn Hữu Thiện. (2014). Thủy điện Don Sahong: Tác động và lỗ hỏng trong đánh giá tác động môi trường. Nxb. Văn hóa Thông tin.

11. Nguyễn Nhân Quảng. (2015). Về phát triển thủy điện trên sông Mê Kông và dự án Don Sahong. Truy xuất từ http://nature.org.vn (ngày 29 – 10 – 2015).

12. Nguyễn Thị Hồng Nhung. (2011). Vai trò của chính quyền địa phương trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. HN: Nxb. Khoa học xã hội.

13. Phạm Thái Quốc. (2006). Hợp tác GMS và tác động của nó đến phát triển kinh tế miền Trung Việt Nam. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế Thế giới, số 10 , tr.9 – 18.

14. Trần Cao Thành. (2006). Hợp tác kinh tế GMS và vai trò tác động hội nhập. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, tr. 34 – 40.

15. Ý Nhi. (2016). Giá trị kinh tế của sông Mê Kông là bao nhiêu? Truy xuất từ   http://nhipcaudautu.vn (ngày 06 – 01 – 2016).

16. Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam. Giới thiệu Lưu vực sông Mê Kông trên lãnh thổ Việt Nam. Truy xuất từ http://www.vnmc.gov.vn

 

[1] Giảng viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh

[2] Trung Quốc tuy có hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây thuộc không gian Tiểu vùng nhưng Trung Quốc tham gia với tư cách một quốc gia, trong đó tỉnh Quảng Tây tham gia vào các hoạt động của GMS năm 2005 theo đề nghị của Trung Quốc.